Những điều nên làm khi mắc Lupus ban đỏ
Ngày đăng: 20/04/2020
Lượt xem: 8579
Người mắc lupus ban đỏ phải được quan tâm và chăm sóc kỹ để tránh bệnh bùng phát, gây biến chứng. Phụ huynh cần tận dụng thời gian giãn cách xã hội trong mùa đại dịch Covid - 19 nhằm giúp bé có thêm sức mạnh để chống chọi với bệnh.
Tránh tiếp xúc ánh nắng
Bệnh lupus nhạy cảm với ánh sáng mặt trời. Bệnh có thể bùng phát sau chỉ 1 lần ra nắng! Đặc biệt, khí hậu miền Nam sau Tết âm lịch rất nhiều nắng làm cho số bệnh nhân bị tái hoạt lupus cũng tăng hơn. Vì vậy, tránh ra ngoài vào những lúc nắng nhiều, trong trường hợp phải đi làm, đi học…, bắt buộc người bệnh phải dùng kem và trang phục chống nắng. Học sinh nữ cần có xác nhận bệnh để không mặc váy.
Tránh học tập, lao động gắng sức.
Việc lao động gắng sức làm tích tụ các sản phẩm chuyển hóa có hại trong một thời gian ngắn, có thể kích hoạt 1 đợt bệnh cấp. Lao động gắng sức dù là trí óc hay tay chân đều có thể dẫn đến tăng huyết áp, stress... Ngược lại, vận động nhẹ nhàng như đi bộ, yoga, thiền… sẽ rất có ích cho người bệnh lupus. Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội để phòng ngừa đại dịch Covid – 19, người bệnh có thể tranh thủ vận động nhẹ nhàng… để cải thiện sức khỏe.
Tránh sang chấn tâm lý (stress)
Buồn phiền, căng thẳng, bị la mắng...có thể làm khởi phát bệnh. Việc tránh sang chấn tâm lý không những giúp đẩy lùi được bệnh mà còn làm cho cuộc sống thêm lạc quan.
Ở trẻ em, các sang chấn tâm lý có thể xuất hiện vào mùa thi, dọn nhà, cha mẹ cãi nhau, chuyển trường, mâu thuẫn bạn bè…. Các phụ huynh nên tận dụng mùa giãn cách xã hội “có 1 không 2” này để quan tâm giảm stress cho các con nhé
Nên chọn thức ăn, uống nước hợp lý
Cho trẻ một chế độ ăn hợp lý sẽ giúp
• Hạn chế tác dụng phụ của thuốc điều trị.
• Giúp bệnh ổn định không tái hoạt
• Giảm nguy cơ cho bệnh tim mạch, duy trì được sức mạnh của xương và cơ.
Khi điều trị bằng thuốc trị lupus, cơ thể có nguy cơ giữ muối nước, tăng đường và mỡ máu, loét dạ dày. Vì vậy trong chế độ ăn cần kiêng mặn, chất béo, chất đường, gia vị chua, cay.
Các hải sản lạ (tôm hùm, cá lạ, cua ốc lạ...), thịt đỏ và động vật lạ là các protein có thể gây khởi phát hiện tượng viêm, 1 số người tái phát bệnh sau khi ăn các món này. Vì thế, phụ huynh cần đặc biệt chú ý điều này khi trẻ muốn ăn hải sản.
Cần ăn nhiều rau lá xanh đậm, bí xanh, mướp, trái cây không quá ngọt (ví dụ đu đủ, thanh long, bưởi). Tăng cường thức uống có Canxi và Vitamin D (ví dụ như sữa ít béo, sữa đậu nành).
Người bệnh lupus ban đỏ có nguy cơ cao mắc bệnh xơ vữa động mạch, ngay cả ở trẻ em. Tránh ăn các thức ăn nhanh, thực phẩm chiên xào nhiều dầu mỡ, nội tạng động vật, thịt mỡ. Phụ huynh nên cố gắng nấu ăn cho trẻ thay vì đặt mua những thức ăn nhanh, chế biến sẵn. Đặc biệt trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội phòng chống dịch bệnh Covid - 19, bố mẹ có thể vào bếp cùng con để nấu những bữa ngon, lành mạnh, vừa giúp con phòng bệnh, vừa giúp con có trải nghiệm thực tế trong thời gian nghỉ học kéo dài.
Việc giảm lượng muối trong khẩu phần ăn sẽ hạn chế sự tiến triển tổn thương tim, thận. Tránh các thức ăn có rất nhiều muối như: mì gói, khô bò khô cá mực, thức ăn đóng hộp, bánh snack...
Người bệnh lupus ban đỏ cũng nên bổ sung đủ nước cho cơ thể, dùng 1,5-2 lít mỗi ngày để cơ thể đào thải được các chất độc một cách dễ dàng. Tuy nhiên, nếu có tổn thương thận, cần hỏi kỹ bác sĩ về lượng nước có thể uống trong ngày. Đôi khi lại cần phải hạn chế nước ở giai đoạn bùng phát.
Tác giả: TS.BS Hoàng Thị Diễm Thúy
Đăng bởi: Hân Nguyễn
Các tin khác
Khi con Bạn bị dị ứng 07/10/2018
Nhiễm trùng da 29/05/2018
Thoa kem chống nắng cho trẻ 17/06/2017
Vài cách đơn giản để bảo vệ mình khi đi bơi 10/07/2016
Có nên cắn móng tay ? 16/08/2015
Mụn trứng cá 02/08/2015
Trị hăm cho trẻ 09/12/2013