Thận của con bạn có tốt không?
Ngày đăng: 28/04/2011
Lượt xem: 16185
Thận là cơ quan đảm nhận nhiều chức năng phức tạp và nhiệm vụ quan trọng của cơ thể. Nhiệm vụ quan trọng nhất của thận là lọc máu và bài tiết ra nước tiểu các chất mà cơ thể thải ra, điều hòa ổn định nước, các loại muối, điện giải trong máu và điều hòa huyết áp ở mức ổn định.
Thận khi bị bệnh thường âm thầm, không biểu hiện ra thành triệu chứng và thường bệnh thận chỉ biểu hiện một khi bệnh đã diễn tiến nặng hoặc vào suy thận mạn giai đoạn cuối.
Bạn có biết không?
Phần lớn các bệnh nhân bệnh thận đều không đươc chẩn đoán sớm
Bệnh thận thường gặp, cứ 10 người sẽ có 1 người bị bệnh thận ở các giai đoạn khác nhau từ nhẹ đến nặng.
Bệnh thận có thể gây tử vong, do suy thận mạn giai đoạn cuối hoặc do các biến chứng tim mạch xảy ra trên bệnh nhân bệnh thận.
Bệnh nhân vào suy thận mạn giai đoạn cuối sẽ tử vong nếu không được điều trị thay thế thận như: chạy thận nhân tạo định kỳ, hoặc thẩm phân phúc mạc, hoặc ghép thận. Chi phí của các biện pháp điều trị này cao gấp nhiều lần chi phí để điều trị khi bệnh thận chưa vào giai đoạn cuối.
Bệnh thận có thể điều trị, nếu được phát hiện sớm
Phát hiện và điều trị sớm bệnh thận mạn không chỉ là chậm mà còn có thể làm ngưng bệnh thận diễn tiến đến suy thận mạn giai đoạn cuối, và cũng giảm đáng kể nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch.
Để biết hai thận của con bạn có suy không?
Cần tiến hành 1 xét nghiệm đơn giản, rẻ tiền, nhanh và có ở hầu hết các phòng xét nghiệm là creatinine máu
Creatinine là một chất được thải ra nước tiểu có nguồn gốc từ cơ khi vận động. Bình thường creatinine theo máu đến thận và được thải qua thận, nhưng khi chức năng thận bị suy, lượng creatinine trong máu bị tồn đọng lại và sẽ tăng dần lên. Nếu creatinine tăng lên từ từ và chậm trong nhiều tháng, chúng ta gọi là suy thận mạn.
Giá trị bình thường của creatinine máu thay đổi tùy phòng xét nghiệm và kỹ thuật định lượng, tùy theo giới tính, tuổi, trọng lượng cơ thể, khối lượng cơ bắp và chức năng thận.
Creatinine máu bình thường ở trẻ lớn hơn 12 tuổi không quá 10 mg/l (BV Nhi Đồng 2)
Nếu creatinin máu của con bạn cao hơn giá trị trên thì con bạn cần được đến bác sĩ chuyên khoa Thận để tư vấn về chức năng thận
Nên phát hiện bệnh thận sớm, không nên chờ thận kêu cứu
Đăng bởi: Khoa Thận Máu - Nội Tiết
Các tin khác
Hưởng ứng Ngày Đái tháo đường thế giới 14/11 – Nâng cao nhận thức toàn cầu về bệnh đái tháo đường 14/11/2024
Chọn đúng vị trí để tiêm insulin 08/09/2015
Bảo quản thuốc đái tháo đường đúng cách 08/09/2015
Dậy Thì Sớm - Dậy thì muộn 08/11/2013
Dậy thì sớm 14/08/2013