Bấm vào hình để xem kích thước thật

Phát triển ngôn ngữ ở trẻ nói song ngữ và những điều cần lưu ý

Ngày đăng:  15/10/2024

 
Lượt xem: 1142

Theo BS.CK2 Nguyễn Thanh Sang – Trưởng khoa Phòng khám Chất lượng cao – Tâm lý bệnh viện Nhi đồng 2, trẻ em phát triển với tốc độ rất khác nhau, càng lớn thì khả năng ngôn ngữ càng đa dạng. Vì vậy phạm vi ngôn ngữ bình thường là rất lớn. Tuy nhiên, cha mẹ và các chuyên gia cần biết họ đang ở thời điểm nào nên quan tâm nhiều hơn và có thể thực hiện các bước để giúp đỡ một đứa trẻ đang tụt lại phía sau.

 

Tất cả các nghiên cứu cho đến nay chỉ ra rằng trẻ nói song ngữ không phát triển chậm hơn trẻ chỉ nói một ngôn ngữ chỉ vì trẻ được học hai ngôn ngữ cùng một lúc. Các ngôn ngữ khác nhau có thể khác nhau về cấu trúc cú pháp câu, nhiều từ dài hơn và cấu trúc âm thanh phức tạp hơn hoặc một số điểm ngữ pháp đa dạng và thường xuyên hơn. Bất kể những khác biệt này, trẻ em ở một độ tuổi nhất định có trí nhớ và khả năng xử lý tương tự nhau.

 

SỰ PHÁT TRIỂN NGÔN NGỮ ĐIỂN HÌNH CỦA TRẺ

 

6-9 tháng:

• Khi 6 tháng – bắt đầu bập bẹ “da da”, “ba ba”, “ada”.

• Biết quay lại khi được gọi tên và hiểu khi bạn nói “không”.

• Biết bắt chước những hành động đơn giản, như vẫy tay tạm biệt, vỗ tay.

• Biết kết hợp nhiều từ và âm thanh bập bẹ với nhau hơn, như “mamama”, “dadada”.

9-12 tháng:

• Hiểu những câu hỏi đơn giản, như “Ba đâu rồi?”

• Làm theo chỉ dẫn đơn giản có sự giúp đỡ, như “đưa bóng cho mẹ”.

• Biết kết hợp nhiều âm khác nhau, như “brmm brmm”, “dabadabadaba”.

• Bắt đầu chỉ và nói để biểu thị nhu cầu và ý muốn.

12-18 tháng:

• Biết ít nhất một bộ phận cơ thể, như mũi.

• Hiểu nhiều từ, các chỉ dẫn đơn giản và câu hỏi có/không, như “Con có uống nước không?”.

• Bắt đầu nói các từ đơn (khoảng 12 đến 20 tháng tuổi).

18-24 tháng:

• Biết nhiều bộ phận cơ thể hơn.

• Hiểu những chỉ dẫn dài hơn, như “Lấy ô tô lên...đưa cho ba”.

• Biết nói 25 đến 50 từ đơn.

• Bắt đầu ghép hai từ cùng nhau, như "xe của ba”, “nước của mẹ”, “đi tàu”.

2 tuổi:

• Biết nói 50 đến 200 từ thường xuyên.

• Bắt đầu ghép thêm các cụm 2-3 từ với nhau, như “thêm nước nữa”, “ba đi ô tô”, “mẹ đứng lên”.

• Biết trả lời các câu hỏi đơn giản như “Cái gì thế?”, “Cún con ở đâu?”.

• Làm theo các chỉ dẫn đơn giản có hai từ chính, như “bỏ xe vào túi”.

3 tuổi:

• Hiểu các từ khác nhau, như các giới từ “trong”, “trên”, “dưới”.

• Nhận biết đồ vật theo công dụng, màu sắc hoặc hình dạng, như “Quả bóng to màu gì?”.

• Biết nói 3 đến 5 từ trong một câu, như “búp bê đi ngủ thôi”.

• Biết đặt câu hỏi “Cái gì?”, “Ai?”, “Ở đâu?”.

• Biết nói rõ ràng khoảng 75% thời gian (kỹ năng phát âm vẫn đang phát triển).

• Biết dùng các cấu trúc ngữ pháp, dù không phải câu nào cũng đúng, như: “đang” (thì hiện tại), như “Mẹ đang đi”, số nhiều (nhiều hơn một) như “hai quả bóng”.

4 tuổi:

• Biết nói nhiều từ (khoảng 900 từ), khoảng 4 từ trở lên trong một câu.

• Hiểu các khái niệm “thời gian”, như hôm qua; mùa hè; tuần trước.

• Chỉ thỉnh thoảng mới mắc lỗi ngữ pháp, nhưng thường sử dụng đúng ngữ pháp.

• Dùng từ khá chính xác – đã học được hầu hết các âm thanh lời nói.

5 tuổi:

• Có thể làm theo các chỉ dẫn gồm 3 phần, như “đứng dậy, xỏ giầy của con vào và đi ra xe ô tô”.

• Biết nói các câu gồm khoảng 6 từ trở lên đúng ngữ pháp.

• Biết nói chuyện về các sự kiện trong quá khứ, hiện tại và tương lai, như “Ngày mai nhà mình sẽ đi công viên!”.

• Biết nói về cảm xúc và biểu thị ý nghĩ, như “Con buồn lắm – An không chơi với con”.

• Làm cho người quen và người lạ hiểu được ý mình.

 

PHÁT TRIỂN NGÔN NGỮ Ở TRẺ NÓI SONG NGỮ

 

Giống như trong quá trình phát triển ngôn ngữ đơn ngữ, trẻ nhỏ song ngữ trước tiên sẽ tiếp thu được những gì dễ dàng trong ngôn ngữ của họ. Đôi khi, trẻ song ngữ có thể tìm thấy một từ hoặc cấu trúc dễ dàng hơn trong một ngôn ngữ hơn trong ngôn ngữ kia và sử dụng từ dễ dàng hơn hoặc cấu trúc dễ dàng hơn trong cả hai ngôn ngữ.

 

Ví dụ: trẻ có thể dùng tiếng anh để trả lời cho câu hỏi bằng tiếng việt hoặc trẻ có thể gọi tên đồ vật này bằng Tiếng việt nhưng gọi đồ vật cùng phân loại khác bằng Tiếng anh. Theo thời gian, đứa trẻ sẽ có thể xử lý ngày càng nhiều tín hiệu ngôn ngữ và cuối cùng chiến lược này sẽ bị loại bỏ và dạng đúng sẽ được sử dụng trong mỗi ngôn ngữ. Những từ ngắn dễ dàng hơn đối với trẻ nhỏ so với những từ dài. Đó là lý do tại sao trẻ nhỏ rút ngắn từ và nói “nana” thay vì “banana”. Nếu lời của mẹ ngắn hơn lời của bố, trẻ song ngữ đương nhiên sẽ chọn ngắn hơn.Tất nhiên, tần suất trẻ nghe được một từ cũng rất quan trọng, những từ được sử dụng thường xuyên sẽ được học đầu tiên. Vì vậy, những từ như “ ba”, “xe” , hay từ “ me” - sự kết hợp âm thanh dễ hơn “ mẹ” sẽ được trẻ sử dụng trước.

 

Trái ngược với niềm tin phổ biến, trẻ em song ngữ đạt được tất cả các mốc ngôn ngữ trong phạm vi được gọi là giới hạn bình thường đối với trẻ em đơn ngữ. Tốc độ phát triển ngôn ngữ là do vào khả năng và chất lượng tương tác của trẻ hơn là do nghe hai ngôn ngữ cùng một lúc.

 

TRẺ NÓI SONG NGỮ VÀ KHÓ KHĂN PHÁT TRIỂN NGÔN NGỮ

 

Rất nhiều cha mẹ đã được khuyến cáo rằng chỉ nên nói một ngôn ngữ tại nhà vì trẻ gặp khó khăn trong việc xử lý ngôn ngữ nghe được hoặc do tiếp xúc với nhiều ngôn ngữ khác nhau làm cho trẻ bị rối loạn ngôn ngữ. Cha mẹ sẽ làm gì với lời khuyên này?

 

Thực tế là không có bằng chứng nghiên cứu nào về việc song ngữ ảnh hưởng như thế nào đến phát triển ngôn ngữ của trẻ chậm phát triển liên quan đến ngôn ngữ. Tương tự như vậy không có bất kỳ bằng chứng nghiên cứu nào cho thấy việc dừng một trong các ngôn ngữ sẽ cải thiện khả năng phát triển ngôn ngữ khác của trẻ.

 

Nói song ngữ không gây ra các vấn đề phát triển liên quan đến ngôn ngữ (cũng như bất kỳ vấn đề phát triển nào khác) thì việc dừng một trong các ngôn ngữ sẽ không xảy ra để khắc phục vấn đề. Những khó khăn về phát triển ngôn ngữ cần được chẩn đoán chính xác nguyên nhân và sự can thiệp cần dựa trên nguyên nhân đó hoặc các triệu chứng của nó.

 

  • Nếu trẻ có vẻ có vấn đề về phát triển, điều quan trọng là phải gặp các bác sĩ chuyên khoa ( Thần kinh, Tai - mũi - họng, Âm ngữ trị liệu, Tâm lý…) để có chẩn đoán và điều trị thích hợp tình trạng rối loạn.

 

  • Cha mẹ có thể tham khảo các mốc phát triển của trẻ ở mục “ Sự phát triển ngôn ngữ điển hình của trẻ” nếu nhận thấy trẻ không đạt được bất kỳ mốc phát triển nào nên đưa trẻ đến khám càng sớm càng tốt.

 

Đăng bởi: Nguyễn Tâm

[Trở về]

Các tin khác