Lần đầu thực hiện thành công phẫu thuật nội soi thắt ống ngực cứu bé trai 3 tháng bị rò dịch dượng trấp khoang màng phổi
Ngày đăng: 14/12/2019
Lượt xem: 8081
Bệnh nhi N.T.T nhập viện bệnh viện Nhi Đồng 2 trong tình trạng khó thở nặng. Phim chụp X quang phổi của bé cho thấy một tình trạng tràn dịch màng phổi (là tình trạng có dịch lỏng chưa rõ bản chất trong khoang màng phổi) bên trái lượng nhiều, gây nên tình trạng chèn ép nhu mô phổi khiến bé không thở được. Bệnh nhi ngay lập tức được đặt dẫn lưu màng phổi và ghi nhận rất nhiều dịch đục như sữa chảy ra từ khoang màng phổi. Kết quả xét nghiệm dịch màng phổi cho thấy bệnh nhi bị một tình trạng rò dịch dưỡng trấp nghi do rò từ ống ngực vào khoang màng phổi
Phẫu thuật điều trị rò dưỡng trấp màng phổi có thể nói là một "ác mộng" của các bác sĩ phẫu thuật vì ống ngực là một cấu trúc giải phẫu rất khó tìm thấy và nhận biết ngay cả đối với người lớn, huống hồ bệnh nhi này chỉ mới 3 tháng tuổi. Do đó, tỉ lệ thành công của cuộc mổ khá thấp và nguy cơ tai biến lại rất cao. Tuy nhiên, các bác sĩ quyết tâm phải phẫu thuật cho bé vì tình trạng của bé càng để lâu càng nguy hiểm và khả năng can thiệp sẽ ngày càng khó.
Do đó, bệnh nhi đã được điều trị nội khoa tích cực bao gồm nhịn ăn, dinh dưỡng tĩnh mạch và các biện pháp khác để ổn định sức khỏe bé. Nhưng dịch dưỡng trấp màng phổi vẫn ra mỗi ngày ½ lít trong khi cân nặng cơ thể chỉ có 5 kg khiến bệnh nhi rơi vào tình trạng rất nguy hiểm do suy kiệt nếu không can thiệp phẫu thuật ngay. Dựa vào các chứng cứ y học cho thấy hiệu quả của phẫu thuật thắt ống ngực, cũng như kinh nghiệm phẫu thuật nội soi của ê kip phẫu thuật lồng ngực tại bệnh viện, sau khi đắn đo, cân nhắc, e-kip phẫu thuật lồng ngực đã hội chẩn thống nhất toàn viện và quyết định thực hiện phẫu thuật cho bệnh nhi ngay.
ThS.BS Nguyễn Trần Việt Tánh, phẫu thuật viên chính của ca mổ cho biết : "Dù là sự chuẩn bị tốt và có nhiều kinh nghiệm từ các cuộc mổ mở khác, cuộc mổ vẫn diễn ra hết sức căng thẳng, kíp mổ đã quan sát lồng ngực bé bằng nội soi kĩ lưỡng, tìm và thắt được ống ngực (kích thước chỉ bằng 0,2mm) và không làm ảnh hưởng tới các cấu trúc xung quanh. Ngay sau mổ dịch dưỡng trấp màng phổi không còn ghi nhận chảy ra, bệnh nhi được rút ống dẫn lưu sau 2 ngày theo dõi. Nhờ được thực hiện bằng phẫu thuật nội soi xâm lấn tối thiểu, bệnh nhi hồi phục ăn uống lại bình thường rất nhanh và xuất viện 7 ngày sau mổ."
Theo ThS.BS Vũ Trường Nhân, phó khoa ngoại, trưởng nhóm phẫu thuật lồng ngực BV Nhi Đồng 2, "Trong cơ thể mỗi người có tồn tại một cấu trúc gọi là ống ngực thuộc hệ thống mạch bạch huyết. Thông thường mỗi ngày ống ngực có thể vận chuyển lên đến 4 lít dưỡng trấp là dịch chứa nhiều mỡ, đạm và bạch cầu. Rò dưỡng trấp hay tràn dịch dưỡng trấp màng phổi xảy ra khi ống ngực bị tổn thương làm dịch dưỡng trấp (dịch trắng đục như sữa) chảy vào khoang màng phổi, nếu rò dịch lượng lớn có thể gây thiếu hụt dinh dưỡng, rối loạn hô hấp, mất nước và rối loạn miễn dịch ảnh hưởng đến tính mạng. Trong trường hợp bệnh nhi này, nguyên nhân gây bệnh là do một dị dạng bẩm sinh của hệ bạch huyết vùng trung thất. Điều trị rò dưỡng trấp màng phổi là một thách thức lớn, điều trị ban đầu sẽ là nội khoa gồm nhịn ăn, dinh dưỡng đường tĩnh mạch, chế độ ăn kiêng và chờ đợi cho ống ngực lành lại. Trong trường hợp điều trị nội khóa thất bại sẽ phải tiến hành phẫu thuật" . BS Nhân cho biết thêm đây là ca mổ thắt ống ngực được thực hiện lần đầu tiên bằng nội soi tại bệnh viện. Đây là kỹ thuật khó, đòi hỏi sự tinh tế và kinh nghiệm của người bác sĩ và chỉ một số bệnh viện thực hiện được. Ưu điểm cảu phẫu thuật thắt ống ngực qua nội soi là an toàn, chính xác, sẹo mổ nhỏ, thời gian hồi phục cho bệnh nhi nhanh. Đây cũng được coi như là thành quả của một e-kip phối hợp ăn ý từ gây mê, hồi sức và chăm sóc của các khoa liên quan và là một tin tốt lành cho các bệnh nhi không may bị bệnh này ảnh hưởng.
Nguồn: BS.CK2. Trương Anh Mậu
Đăng bởi: Hân Nguyễn
Các tin khác
Phòng ngừa sớm bệnh trầm cảm ở trẻ em 30/12/2024
Bệnh viện Nhi đồng 2 tiếp tục thực hiện thêm ca ghép thận cho bệnh nhi từ người hiến chết não 28/12/2024
Đừng chủ quan với trầm cảm ở trẻ em 23/12/2024
Thót tim vì tò mò chế tạo pháo! 19/12/2024