Bấm vào hình để xem kích thước thật

Dãn niệu quản có túi sa niệu quản

Ngày đăng:  01/08/2013

 
Lượt xem: 11797

Khoa Niệu bệnh viện Nhi đồng 2 vừa tiếp nhận và điều trị một trường hợp dãn niệu quản bên phải có kèm theo túi sa niệu quản. Bé N.H.L 3 tuổi nhập viện vì tình trạng hay đau bụng có kèm theo sốt, tiểu đục. Qua thăm khám các bác sĩ phát hiện niệu quản bên phải của bé dãn to, thắt nghẹt ngay vị trí niệu quản cắm vào bàng quang làm cản trở việc tống xuất nước tiểu gây nhiễm trùng, mỗi lần niệu quản cố gắng co bóp đẩy nước tiểu qua chỗ hẹp gây ra tình trạng đau bụng. Chính vì điều này mà niệu quản lâu ngày sẽ to dần và lắng đọng nước tiểu, gây nên tình trạng nhiễm trùng tiểu, lâu dần sẽ ảnh hưởng đến chức năng thận, nặng nề hơn nữa sẽ gây suy thận.

Sau khi có chẩn đoán bé đã được phẫu thuật, trong quá trình phẫu thuật các bác sĩ phát hiện thêm bé có túi sa ở đoạn cuối niệu quản trong lòng bàng quang, túi này phình rất to mỗi khi niệu quản co bóp. Bé được phẫu thuật cắt bỏ túi sa niệu quản, cắt bỏ đoạn hẹp và cắm lại niệu quản vào bàng quang theo phương pháp Cohen. Hiện bé đã hồi phục sau mổ, vết mổ khô sạch, bé ăn uống lại tốt.

 

Theo ThS.BS.Phạm Ngọc Thạch, phẫu thuật viên chính cho biết có nhiều nguyên nhân gây dãn niệu quản ở trẻ em, trong đó thường gặp nhất là do hẹp bẩm sinh đoạn cuối niệu quản và do luồng trào ngược nước tiểu từ bàng quang lên niệu quản. Đây cũng chính là những nguyên nhân dẫn đến nhiễm trùng tiểu và gây ra những hậu quả trầm trọng về chức năng thận sau này. Dãn niệu quản có kèm theo túi sa niệu quản như trường hợp trên thì rất hiếm gặp, việc điều trị sẽ khó khăn hơn vì túi sa chiếm nhiều diện tích niêm mạc trong lòng bàng quang. Khi siêu âm thai kì, nếu thai nhi có dãn niệu quản hoặc sau sanh siêu âm phát hiện dãn niệu quản thì cần được khám ngay các nhà niệu nhi để phát hiện và điều trị kịp thời cho các bé.

Đăng bởi: CN.Lan Phương

[Trở về]

Các tin khác