Bấm vào hình để xem kích thước thật

CHĂM SÓC TRẺ TÁO BÓN

Ngày đăng:  04/03/2009

 
Lượt xem: 21294

 

Táo bón là hiện tượng trẻ đi ngoài phân rắn và khô, hoặc khoảng cách 2 lần đại tiện quá xa nhau, thường là trên 3 ngày.

Trẻ bị táo bón thường có các biểu hiện sau:

- Sờ nắn bụng thấy những cục phân rắn.

- Trẻ biếng ăn, ăn không tiêu.

- Bụng chướng, đầy hơi, đau bụng.

 

Táo bón do nguyên nhân ăn uống:

- Ăn chưa đủ số lượng.

- Pha sữa không đúng tỷ lệ cho trẻ ăn.

- Mẹ bị táo bón cho con bú.

- Ăn ít chất xơ, không chịu ăn rau quả, chỉ ăn nước không ăn cái rau, quả.

- Uống ít nước.

- Táo bón do yếu tố tâm lý: Thường hay gặp ở lứa tuổi trẻ mẫu giáo. Do trẻ ngại xin phép cô giáo, hoặc sợ bẩn không muốn đi đại tiện, sau vài lần làm cho đại tràng dãn to vì vậy phân phải tích nhiều ngày mới đủ kích thích đại tràng gây phản xạ đi ngoài. Trẻ thường đi ngoài phân khuôn to như người lớn, phân cứng và khô.

- Táo bón do dùng thuốc: Hay gặp khi trẻ bị ốm phải dùng thuốc kháng sinh hoặc thuốc ho, thuốc ho có codein, viên sắt...

- Bệnh tòan thân: Trẻ còi xương (do trương lực cơ giảm làm cho nhu động ruột kém, phân phải lưu chuyển lâu trong lòng ruột), trẻ suy dinh dưỡng do biếng ăn nên trẻ thường ăn ít dẫn đến tình trạng "đói" phân, mấy ngày trẻ mới đi ngoài một lần, trẻ bị thiếu máu thường phải uống viên sắt cũng là nguyên nhân gây táo bón.

- Bệnh ngoại khoa, tiêu hóa: Dị tật bẩm sinh như phình to đại tràng, hẹp ruột, hẹp hậu môn, nứt kẽ hậu môn.

Các bà mẹ phải làm gì khi trẻ bị táo bón?

Tùy theo từng nguyên nhân mà điều trị nhưng điều chỉnh lại chế độ ăn vẫn là quan trọng nhất:

- Uống nhiều nước: trẻ dưới 6 tháng bú mẹ hòan tòan thì không cần uống nước, nhưng nếu trẻ bị táo bón thì vẫn cho uống 100 - 200ml nước/ngày. Trẻ bắt đầu ăn dặm từ 6 - 12 tháng uống 200 - 300ml nước/ngày. Trẻ 1 - 3 tuổi uống 500 - 600ml nước/ngày. Trẻ 3 - 5 tuổi uống 1000ml nước/ngày. Trẻ lớn hơn 10 tuổi uống bằng người lớn: 1500 - 2000ml nước/ngày.

- Ăn nhiều rau xanh và quả chín: Chọn các loại rau quả có tính chất nhận tràng: rau khoai lang, mồng tơi, củ khoai lang, đu đủ, chuối tiêu, cam, bưởi. Nên tập cho trẻ thói quen ăn nhiều rau, quả chín từ nhỏ.

- Chọn loại sữa không gây táo bón: Có bổ sung thêm chất xơ, pha sữa với nước cháo lõng hoặc nước bột khoai lang nghiền (đối với trẻ nuôi sữa ngoài).

- Trẻ lớn: Không nên ăn các loại hoa quả có vị chát: Ổi, hồng xiêm, bánh kẹo, nước uống có ga, cà phê...

- Điều trị táo bón cho mẹ: nếu mẹ bị táo bón khi nuôi con bú phải điều trị kịp thời, cách tốt nhất là điều chỉnh chế độ ăn uống của mẹ.

Đăng bởi: ĐD: Võ Thị Bích Thảo – Khoa tiêu hóa (Sưu tầm và tổng hợp)

[Trở về]

Các tin khác