Bấm vào hình để xem kích thước thật

Tư vấn bệnh Bướu máu

Ngày đăng:  17/07/2011

 
Lượt xem: 18011

Câu hỏi:

 Bé trai nhà em nay được 6 tháng tuổi. Cách đây 2 tháng, Em đưa cháu đi khám thì bác sĩ nói cháu bị bướu máu, không cho bôi thuốc gì. Nay mụn của cháu lan to ra, em đưa cháu gặp BS khám lại và nói cháu bị chàm. Vậy cho em hỏi, bé bị bệnh gì, có cần điều trị, về lâu dài có bị ảnh hưởng gì không? Mong bác sĩ tư vấn giúp em. Cảm ơn bác sĩ! 

Thùy Liên

Trả lời:

 Chào bạn Thuy Liên !

   Bạn không mô tả kỹ sang thương trên mông của bé như thế nào nên không thể nói chắc chắn là bệnh gì. Nhưng theo như bạn viết là “cháu bị 1 nốt tròn như đồng xu ở ngay mông đít”, không thấy nói có mụn nước, bé không cảm thấy “khó chịu” như ngứa ngáy (nếu có trẻ hay quấy khóc), nên nghĩ nhiều đó là bướu máu hơn là chàm. Vì ở bệnh chàm thường tổn thương xuất hiện ở các nếp gấp của tứ chi và mặt, ở trẻ nhỏ biểu hiện ban đầu là da khô, tróc vảy nhẹ và xuất hiện các mụn nước li ti, và làm cho trẻ ngứa ngáy.

  Bướu máu hay còn gọi u mạch máu là một khối u lành tính, thường gặp ở trẻ nhỏ, tạo nên bởi các mạch máu (động mạch, tĩnh mạch, mao mạch) tăng sinh.

  Các u mạch máu được chia làm hai loại dựa vào đặc điểm của các khối u:

ü  Tổn thương mạch máu mắc phải (hemangioma): loại tổn thương này gặp ở trẻ em nhiều hơn người lớn. Khối u mạch ở trẻ em diễn biến qua hai thời kỳ tăng sinh và thoái triển. Quá trình tăng sinh phát triển mạnh nhất khi 12 tháng tuổi rồi giảm dần và dừng lại lúc trẻ 2 tuổi. Khoảng 50% khối u mạch thoái triển sau 5 tuổi và hết hoàn toàn vào độ tuổi 7 đến 10.

ü  Bệnh lý mạch bẩm sinh (vascular malformation): hay gặp nhất là dị dạng mạch máu bẩm sinh, bắt nguồn từ sự sai lạc về cấu tạo mạch máu ở thời kỳ phôi thai, luôn được tìm ra ngay sau khi sinh. Những tổn thương này phát triển ngày càng rộng theo thời gian.

   Có nhiều loại u mạch máu khác nhau, nhưng có chung một số đặc điểm như:

·        Màu đỏ hay màu tím, không đau.

·        Nổi gồ trên da hay niêm mạc. Nếu ta bóp hay ấn u thì u xẹp, buông tay ra u lại phồng trở lại.

·        Nếu va chạm, xây xát có thể gây chảy máu, có thể bội nhiễm vi trùng và làm chảy máu nhiều gây nguy hiểm.

   Ngoài ra căn cứ vào giải phẫu bệnh lý người ta chia ra mấy thể u máu sau đây:    

ü U máu phẳng: chiếm tỉ lệ khoảng 50%, là những bớt đỏ trên da, đa số bẩm sinh hay có từ lúc nhỏ. Các vết bớt thường có màu nâu xám, vàng, xanh, hồng hay đỏ.

ü U máu gồ (hay củ): gồ trên da từng chùm như chùm dâu, có màu đỏ của máu, bờ rõ, hình thể u giống như “một quả dâu lớn đặt trên da”, thường khu trú ở mặt và trên thân mình.

ü U máu dưới da: là một khối mềm, ở sâu bên dưới và đội da u lên, thường tạo thành các hang máu, chủ yếu do tĩnh mạch trở thành xơ, hang.

   Người ta thấy 90% các loại u mạch củ và 60% các u mạch dưới da hay hỗn hợp sẽ teo đi hoàn toàn trong vòng vài năm. Do đó thường không cần điều trị.

   Có một số u mạch máu đặc biệt vì vị trí khu trú, vì kích thước hay vì diễn biến phức tạp của nó cần được xử trí. U mạch không to ra trong vòng một hai ngày. Chỉ trong những trường hợp vị trí, kích thước và những biến chứng của các u máu này có nguy cơ đến tính mạng của trẻ, hay gây mất thẩm mỹ nghiêm trọng, người ta mới xét đến việc điều trị bằng các thuốc hay phẫu thuật.

·         U máu phẳng có thể được cắt, ghép da hay dùng phương pháp áp lạnh bằng Nitơ

lỏng.

·        U máu gồ, u máu dưới da cũng có thể phẫu thuật cắt bỏ nếu u nhỏ, có ranh giới rõ.

Nếu u to, ranh giới không rõ nguy hiểm nếu phẫu thuật, ta có thể tiêm gây xơ bằng thuốc tiêm xơ.

·        Điều trị nội khoa được áp dụng cho những u máu ở trẻ em trong giai đoạn tiến

triển: có thể dùng corticoid, interferon, vincristine, propranolol.

·        Laser được dùng làm biến chất các huyết sắc tố, làm đông đặc các mạch máu mà

không làm tổn hại đến lớp thượng bì để lấy bỏ những u máu còn khu trú. Phương pháp dùng laser có nhiều triển vọng, nhất là đối với những bớt sẫm màu, nhưng có nhược điểm là gây đau đớn cho bệnh nhân.

   Bạn nên cho bé đến phòng khám Ngoại khoa của Bệnh viện Nhi đồng 2 (33 Nguyễn Du) để được các BS chẩn đoán chính xác và áp dụng phương pháp điều trị thích hợp nếu có chỉ định.

Trả lời bởi: BS.CK2.Trịnh Hữu Tùng - Trưởng phòng KHTH

[Trở về]

Các tin khác