Tránh hoạ vô sinh ngay từ nhỏ
Ngày đăng: 08/11/2010
Lượt xem: 10436
Ai đã từng làm cha, làm mẹ mới hiểu hết hạnh phúc lớn lao khi con mình ra đời khoẻ mạnh, lành lặn. Thế nhưng không phải ai cũng dễ dàng đón nhận được niềm vui này, bởi luôn có một tỷ lệ không nhỏ trẻ khi chào đời đã mắc vài bệnh lý bẩm sinh. Dị tật bẩm sinh chiếm khoảng 1/10.000 trẻ sinh ra, thay đổi tuỳ quốc gia, chủng tộc. Những khiếm khuyết này biến đổi từ đơn giản cho đến những dị tật phức tạp.
Bệnh bẩm sinh thường gặp nhất
Bệnh lý ống bẹn biểu hiện bên ngoài bằng ba dạng: thoát vị bẹn, nước màng tinh hoàn và kén thừng tinh. Đây là một trong các bệnh lý bẩm sinh thường gặp nhất trong nhi khoa, chiếm khoảng 1 – 5% trẻ sinh ra, xảy ra ở cả trẻ trai và trẻ gái. Tuy vậy, tỷ lệ thoát vị bẹn gặp ở trẻ trai nhiều hơn trẻ gái từ 8 – 10 lần.
Nguyên nhân thoát vị bẹn có thể gọi là một bệnh lý bẩm sinh hơn là một dị tật. Bệnh lý này do sự tồn tại của một ống phúc tinh mạc gây nên, có thể diễn giải như sau: khi còn là bào thai, tinh hoàn của trẻ nằm trong ổ bụng, đến khoảng tháng thứ bảy, tám của thai kỳ, tinh hoàn sẽ di chuyển dần xuống bìu, kéo theo nếp phúc tinh mạc, tạo nên một đường thông thương giữa ổ bụng và bìu, gọi là ống phúc tinh mạc. Sau sinh, ống phúc tinh mạc này sẽ bị xơ hoá và bít lại. Trong 1 – 5% các trường hợp, ống này không bít đi, hình thành một đường thông từ ổ bụng xuống bìu gây nên bệnh lý tồn tại ống phúc tinh mạc.
Nếu như đường thông nhỏ, chỉ có nước trong ổ bụng đi xuống tinh hoàn, sẽ gọi là nước màng tinh hoàn, trong dân gian thường gọi là bìu nước. Nếu đường thông to, dẫn đến ruột từ trong bụng sa xuống bìu sẽ gây nên thoát vị bẹn hay trong dân gian thường gọi là sa ruột. Cuối cùng, nếu đường thông nhỏ chỉ có nước xuống và bít lại ở hai đầu hình thành nên một kén nước ở vùng bẹn, gọi là kén thừng tinh.
Làm thế nào để phát hiện sớm?
Các bậc phụ huynh có thể dễ dàng phát hiện nhờ vào một số dấu hiệu: ở trẻ vừa mới sinh ra, thấy vùng bìu hay vùng bẹn sưng to, sờ vào nghe tiếng óc ách của ruột, đó là thoát vị bẹn; hoặc trong trường hợp nước màng tinh hoàn, sẽ thấy bìu trẻ trai có thể căng bóng, mọng nước lên. Còn như sờ thấy ở vùng bẹn một kén nước nhỏ như trái nho, căng bóng nước, không đau thì đó là kén thừng tinh ở trẻ trai...; nếu như lỗ thoát vị nhỏ, khi trẻ ngủ ta thấy hai bìu bình thường nhưng khi trẻ khóc hay chạy nhảy vùng bìu sẽ to ra.
Không trị kịp thời dễ bị biến chứng
Phương pháp điều trị chủ yếu là phẫu thuật, tuy nhiên thời điểm phẫu thuật thay đổi theo từng bệnh lý. Đối với thoát vị bẹn, phẫu thuật sớm nhất khi phát hiện ra, để có thể đề phòng thoát vị bẹn nghẹt. Trường hợp nước màng tinh hoàn hay kén thừng tinh, có khả năng tự khỏi sau sáu tháng đến một năm, do vậy chỉ xem là bệnh lý phải phẫu thuật khi trẻ trên một tuổi. Đặc biệt đối với thoát vị bẹn, nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến biến chứng thoát vị bẹn nghẹt. Trong trường hợp này, ruột sa xuống bìu nhưng bị nghẹt không đẩy lên được, dẫn đến hội chứng tắc ruột, biểu hiện bằng các triệu chứng ói mửa, bụng chướng. Nếu không điều trị ngay sẽ dẫn đến hoại tử ruột, viêm phúc mạc rất nguy hiểm.
Riêng với bệnh lý ống phúc tinh mạc, nguyên tắc điều trị là đóng lại ống này, tức làm bít đi sự thông thương giữa khoang bụng bên trên và bìu bên dưới. Chỉ cần một đường rạch da nhỏ 2cm ở vùng bẹn, để lại một sẹo nhỏ nơi nếp gấp bụng thấp, gần như không thấy. Cuộc phẫu thuật này không hề ảnh hưởng đến việc sinh con của bé trong tương lai về sau.
Đăng bởi: TS.BS.Trương Quang Định
Các tin khác
Cảnh giác chấn thương thận kín ở trẻ em 12/07/2023
Tắc ruột vì 14/01/2021